Hỏi đáp về vi phạm an toàn giao thông đường bộ
Căn cứ pháp lý:
- Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012(sửa đổi, bổ sung năm 2020);
- Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng
Câu 1. Hành vi người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Trả lời:
Tại điểm b khoản 10 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định như sau:
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau: Thực hiện hành vi vi phạm trên thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Câu 2. Hành vi người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có báo hiệu xin vượt trước khi vượt bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Trả lời:
Tại điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định như sau:
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi không có báo hiệu xin vượt trước khi vượt.
Câu 3. Hành vi người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy chở người ngồi trên xe sử dụng ô (dù) bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Trả lời:
Tại điểm g khoản 1 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định như sau:
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi chở người ngồi trên xe sử dụng ô (dù).
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung sau: Thực hiện hành vi vi phạm trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Câu 4. Hành vi không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ; chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Trả lời:
Tại điểm n, o khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ (được bổ sung bởi điểm b khoản 4 Điều 2 và được thay thế bởi điểm k khoản 34 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định như sau:
Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau: không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ; chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.
Câu 5. Hành vi người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy chở theo 03 người trên xe trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Trả lời:
Tại điểm b Khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định như sau:
Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi chở theo 03 người trên xe trở lên.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau:
+ Thực hiện hành vi vi phạm trên thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
+ Thực hiện hành vi vi phạm trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Câu 6. Hành vi người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy bấm còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Trả lời:
Tại điểm c khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định như sau:
Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi bấm còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung sau: Thực hiện hành vi vi phạm trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Câu 7. Người đang điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; chở người đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Trả lời:
Tại điểm k khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định như sau:
Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; chở người đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung sau: Thực hiện hành vi vi phạm trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Câu 8. Hành vi người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Trả lời:
Tại điểm a khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ (sửa đổi tại điểm g khoản 34 Điều 2 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định như sau:
Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h.
Câu 9. Hành vi người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Trả lời:
Tại điểm e, g khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ (sửa đổi tại điểm g khoản 34 Điều 2 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định như sau:
Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi sau: không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau:
+ Thực hiện hành vi vi phạm trên thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
+ Thực hiện hành vi vi phạm trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Câu 10. Hành vi người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Trả lời:
Tại điểm h khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ (sửa đổi tại điểm g khoản 34 Điều 2 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định như sau:
Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau:
+ Thực hiện hành vi vi phạm trên thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
+ Thực hiện hành vi vi phạm trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.